GIỚI THIỆU SÁCH
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975 - SỰ KIỆN - HỎI VÀ ĐÁP
Kính thưa các Thầy giáo, cô giáo!
Thưa các bạn học sinh thân mến !
Tổ quốc Việt Nam với truyền thống Lịch sử hơn 4 nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Mỗi khi có giặc ngoại xâm thì tinh thần đấu tranh của nhân dân hiên ngang, trung dũng kiên cường, lập nên những chiến công vang dội, viết thêm trang sử vàng chói lọi. Làm cho nước nhà càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Thế hệ hôm nay không được quên những công lao đóng góp, hi sinh, mất mát của cha ông để dành được Độc lập, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Dân ta phải biết sử ta”.
Nói đến lịch sử dân tộc, điều đầu tiên chúng ta cần nhớ đến là những chiến công oanh liệt, những anh hùng hào kiệt đã làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 và để thiết thực “Chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước” em xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách :“Đại thắng mùa xuân 1975 - Sự Kiện - Hỏi và Đáp” do Tiến sĩ Hoàng Phong Hà là Chủ biên và Tập thể các tác giả biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành.
Thưa quý độc giả!
Cách đây 48 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 30-4-1975 là một ngày trọng đại, chiến thắng vinh quang của dân tộc Việt Nam sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa Giang sơn thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà. Để làm nên chiến thắng vĩ đại đó, Đảng và nhân dân ta đã phải bền bỉ, quyết tâm thực hiện cuộc chiến tranh giữ nước lâu dài, mất mát và tổn thất rất lớn. Nhớ lại và tôn vinh chiến thắng oanh liệt ấy, để hiểu rõ hơn giá trị sâu sắc của "tinh thần 30-4" đã đem đến cho đất nước, hôm nay những ý nghĩa lịch sử và những bài học quý báu rất cần được phát huy, gìn giữ...
Cuốn sách “ Đại thắng mùa xuân 1975- Sự Kiện - Hỏi và Đáp” do tác giả Tiến sĩ Hoàng Phong Hà (chủ biên), gồm 200 trang, khổ 12,5cm x 20,5cm được nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2011. Sách gồm 7 phần với 119 câu hỏi và đáp. Bìa sách được chia làm 2 phần: chữ và các mảng màu lam, đỏ, đang lấn át màu vàng đất tượng trưng màu cờ sức mạnh đi lên của quân và dân Mặt trận giải phóng Miền Nam quyết tâm đấu tranh dành thống nhất nước nhà, màu xanh lá cây tượng trưng màu áo chú bộ đội. Phần chữ tên sách được trình bày trang trọng bằng màu vàng và trắng tương phản đặt ở giữa cuốn sách, kiểu chữ chân phương ngay ngắn.
Cuốn sách kể chuyện sự kiện lịch sử “ Đại thắng mùa xuân 1975 - Sự Kiện - Hỏi và Đáp” dưới hình thức các câu hỏi và trả lời ngắn gọn, súc tích, nội dung cuốn sách tái hiện những diễn biến cơ bản về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đặc biệt tập trung vào ba chiến dịch lớn: Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột. Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh với năm cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Để tiện cho việc tra cứu, sách được chia làm 7 phần như sau:
Phần I. Tình hình Địch và Ta sau khi hiệp định Pari được kí kết.
Nói về những âm mưu của Mĩ sau hiệp định và thực lực về các lực lượng quân đội ngụy quyền và sự phát triển lớn mạnh không ngừng của ta.
Phần II. Những hoạt động của Địch và Ta trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975.
Kể về những âm mưu chống đối, phá hoại hiệp định Pari của kẻ địch và những đường lối quyết sách đúng đắn Đảng ta trong việc thành lập các đơn vị tác chiến chuẩn bị cho chiến dịch.
Phần III. Chiến dịch Tây Nguyên.(ảnh đánh chiếm thị xa Buôn Mê Thuột))
Dựa vào tầm quan trọng vị trí chiến lược, Ở đây địch bố trí phòng ngự với số lượng quân rất lớn tới hơn 200 nghìn tên và nhiều vũ khí hiện đại tối tân như hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép,150 máy bay chiến đấu, 8 tiểu đoàn pháo...để bảo vệ. Dựa trên tình hình đó Bộ chính trị đã lên kế hoạch tác chiến Tây Nguyên. Ngày 10/03/1975 quân ta đã tấn công mở màn cho chiến dịch chỉ trong 5 ngày đến 14/03/1975 ta đã giải phóng Tây Nguyên, đập tan các cuộc phản kích của địch và kết thúc chiến dịch thắng lợi.
Phần IV. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Sách kể về những hoạt động của ta trên chiến trường Trị - Thiên và khu 5. So sánh số lượng quân giữa địch và ta. Những kế hoạch đối phó của địch khi Tây Nguyên thất thủ. Đặc biệt sách mô tả những diễn biến chính của cuộc tiến công vào 2 cứ điểm quan trọng Huế và Đà Nẵng.
Ngày 21/03/1975 ta tấn công bao vây chia cắt Huế và Đà Nẵng và đẩy mạnh các cuộc tấn công vào những cứ điểm chính của địch, các trận đánh lớn nổ ra, đúng như dự đoán đến ngày 29/03/1975 thành phố Đà Nẵng được giải phóng hoàn toàn đã mang lại ý nghĩa to lớn.
Phần V. Chiến dịch Hồ Chí Minh
Trước sự tấn công và nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân ta buộc địch phải co cụm lui dần về Sài Gòn - Gia Định. Ngày 13/4/1975 Đảng ta đã họp bàn về kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định và quyết định lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sách kể về cuộc tiến quân thần tốc và những trận đánh lớn tử thủ Sài Gòn của địch nhưng trước sự tấn công như vũ bão của ta đến trưa ngày 30/4/ 1975 chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Thừa thắng xông lên ta giải phóng quần đảo Trường Sa và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đến ngày 02/5/1975 Tổ quốc hoàn toàn thống nhất.
Phần VI. Những sự kiện và con số - kỉ lục
Ở phần này sách nối về các chiến sĩ gan dạ, anh dũng, mưu trí đánh dịch như: 8 dũng sĩ đã đột kích tiêu diệt địch thiêu cháy hơn 100 triệu lít xăng dầu hay chiến sĩ biệt động Nguyễn văn Thôn làm nổ tung 150 quả bom, phá hủy 70 máy bay khiến nhiều sĩ quan và lính Mĩ chết, chiến sĩ Võ Văn Cả một đêm đánh 6 trận tiêu diệt 26 tên Mĩ…và nhiều người khác họ là những tấm gương điển hình trong kháng chiến chống Mĩ.
Đọc qua những con số kỉ lục Quý thầy cô và các bạn sẽ thấy sự mất mát về vật chất tiền của, mất mát thương vong do chiến tranh gây ra đối với con người.
Đọc sách, em thấy được những người là tổng thống ngụy quyền Sài Gòn từ ngày 21-4 đến ngày 30-4-1975.
Ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống, Trần Văn Hương lên thay
Ngày 28-4, Trần Văn Hương từ chức
Thế chỗ là Dương Văn Minh ngồi lên chiếc ghế tổng thống chỉ vẻn vẹn có 2 ngày.
Trưa ngày 30/4/1975, ông ta cùng toàn bộ nội các đã đầu hàng quân giải phóng.
Phần VII. Những sự kiện chính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước từ hiệp định Pari tới khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.
Phần cuối kể về giai đoạn từ sau hiệp định Pari 1973 được kí kết, sự chuẩn bị của ta và tinh thần bạc của địch. Diễn biến chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975 qua từng giờ, ngày, tháng, năm đến ngày thống nhất đất nước.
*Sách còn cho biết hoàn cảnh ra đời của bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên vào sáng ngày 28- 4-1975, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, bài hát đã hoàn thành và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.
* Kể một chuyện:
Thưa thầy cô và các bạn! Trong sách có rất nhiều mẩu chuyện hấp dẫn nhưng ấn tượng với em nhất là câu hỏi số 73 (trang 132): Người chiến sĩ biệt động đã lập kỉ lục một đêm đánh 6 trận, diệt 26 tên Mỹ, ngụy?. Đó là anh Võ Văn Cả, người đã có rất nhiều trận đánh được ghi vào truyền thống của biệt động Đà Nẵng. Đêm 6-3-1973, bằng lựu đạn M26 của địch, một mình anh đã đánh 6 trận, mỗi trận cách nhau khoảng 20 phút, tiêu diệt 26 tên Mỹ, ngụy. Từ năm 1965 đến ngày giải phóng, anh đã đánh độc lập 17 trận, tiêu diệt 96 tên địch, 20 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được tặng thưởng 2 huân chương Chiến công hạng Hai, Ba; 3 huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba,…
Các bạn thân mến! Đọc sách “Đại thắng mùa xuân 1975” qua từng phần chúng ta càng hiểu hơn âm mưu thâm độc của kẻ thù muốn chia cắt nước ta, càng hiểu hơn về sức mạnh đoàn kết cuộc chiến đấu tranh dành độc lập thống nhất nước nhà, sự hi sinh mất mát to lớn cả tiền của, mồ hôi xương máu của quân và dân ta.
Năm tháng trôi qua nhưng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đọc cuốn sách “ Đại thắng mùa xuân 1975” chúng ta càng khâm phục và tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc. Đặc biệt đây còn là tài liệu lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp tục thế hệ cha anh ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển vững bền….
Sách hiện có tại Thư viện Trường THCS Sao Đỏ. Kính mời các Thầy cô giáo và quý bạn học sinh tìm đọc./.
HIỆU TRƯỞNG
Đồng Thị Sâm
|
NGƯỜI BIÊN SOẠN
Nguyễn Thị Liên
|